Priming effect (hiệu ứng mồi) là gì? Ứng dụng trong marketing
Priming effect - hiệu ứng mồi là hiệu ứng mình thích nhất khi tìm hiểu về các hiệu ứng tâm lý.
Trước đây mình hay bị dẫn dắt mua hàng bởi hiệu ứng này và đến khi tìm hiểu kỹ thì mình nhận thấy nó xuất hiện đầy khắp xung quanh mình từ trên mạng xã hội đến những cửa hàng nơi đường phố. Cùng tìm hiểu với mình thực hư về hiệu ứng mồi và xem có đúng như mình nói là đâu đâu bạn cũng có thể thấy hiệu ứng này không nhé.
Priming effect - hiệu ứng mồi là gì?
Hiệu ứng mồi hay còn gọi là hiệu ứng dẫn dắt hoặc hiệu ứng chỉ dẫn là việc bạn sẽ có kích thích suy nghĩ và hành động thông qua những chỉ dẫn trước đó.
Nghe đến đây có thể bạn vẫn thấy phân vân hiểu đúng không? Vậy mình sẽ lấy một số một ví dụ để bạn dễ hình dung hơn nhé.
Giả sử chúng mình cùng chơi một trò chơi là điền vào chỗ trống. Ô chữ của mình là GR _ _ _ . Nghĩ đến đây chắc hẳn sẽ có một số đáp án nảy ra trong đầu. Khi mình đưa ra gợi ý liên quan là Red, Blue, Orange, Yellow. Lúc này mình tin là bạn sẽ nghĩ ngay rằng từ khoá chắc chắn liên quan đến màu sắc và đáp án là Green.
Lý giải điều này là do não bộ có cơ chế ghi nhận, lưu trữ thông tin, và kết nối các thông tin với nhau. Mỗi khi chúng ta tiếp nhận một thông tin nào đó thì não bộ sẽ truy xuất lại thông tin và dẫn dắt chúng ta đến những suy nghĩ tiếp theo. Những chỉ dẫn sẽ ảnh hưởng đến sự chú ý, nhận thức, và cả việc ra quyết định của chúng ta.
Ví dự như nếu một ngày khi đến công ty bạn liên tục gặp những người vui vẻ chào bạn hoặc giúp bạn xách đồ nặng thì bạn cũng sẽ cảm thấy ngày hôm nay chắc sẽ là một ngày suôn sẻ đây.
3 loại hiệu ứng mồi thường gặp & ứng dụng trong marketing
Repetition Priming - Mồi thông qua sự lặp lại
Hiệu ứng này xuất hiện khi bạn nhìn thấy một từ hoặc sự vật sự việc lặp đi lặp lại làm cho việc xử lý kích thích nhanh hơn và chính xác hơn.
Cho đến tận bây giờ mình vẫn nhớ mãi về trường hợp của máy lọc nước Kangaroo. Trong trận chung kết C1 năm 2011 giữa MU và Barca, khoảng 15 phút thời lượng quảng cáo trước, trong và sau buổi tường thuật, tivi chiếu một thông điệp lặp đi lặp lại đến 54 lần “Cạch! Kangaroo – Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam”. Quảng cáo đó đã gây sốt cả thời gian bấy giờ. Và kể cả đến nay khi nhắc đến máy lọc nước là nhiều người sẽ vẫn nghĩ đến thương hiệu này.
Perceptual priming - Mồi nhận thức
Perceptual priming xảy ra khi việc xử lý một kích thích được thúc đẩy bởi việc trình bày trước đó một kích thích tương tự về hình dạng, màu sắc, âm thanh, hình ảnh, vv
Apple sử dụng perceptual priming khi họ sử dụng thiết kế và màu sắc tương tự cho tất cả các sản phẩm của mình. Ví dụ, tất cả các sản phẩm của Apple đều có thiết kế tối giản, với các màu sắc chủ đạo là trắng và đen. Điều này giúp tạo ra một nhận diện thương hiệu mạnh mẽ, khiến khách hàng dễ dàng nhận ra các sản phẩm của Apple.
Semantic Priming - Mồi ngữ nghĩa
Một loại priming dựa trên sự liên kết về cùng loại. Ví dụ, cái “bàn” và cái “ghế” cùng thuộc là đồ nội thất. Điều này dễ nhận thấy khi các hãng bán các loại combo bao gồm các sản phẩm cùng loại.
Các thương hiệu cũng có thể sử dụng kết hợp các loại priming khác nhau để tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ hơn. Ví dụ, một thương hiệu bán sữa có thể sử dụng semantic priming để liên kết thương hiệu của mình với một hình ảnh một vận động viên bơi lội cao lớn khoẻ khoắn, sau đó sử dụng repetition priming để giúp khách hàng nhớ đến thương hiệu đó ở các phương tiện truyền thông.
Bài viết liên quan
Nguồn tham khảo