Hiểu về hiệu ứng đám đông (Bandwagon effect)
Cùng mình giải mã về hiệu ứng đám đông trong bài viết hôm nay nhé.
Đã bao giờ bạn ra rạp xem một bộ phim vì thấy ai ai cũng bàn tán về bộ phim đó chưa? Hay bạn đã từng quyết tâm phải đi du lịch Thái Lan một lần vì lên Facebook thấy người người nhà nhà chụp ảnh check in đi Thái hay không? Nếu bạn đã từng trải qua những điều mình vừa kể trên hoặc tương tự như vậy thì mình xin bật mí là bạn đã trải nghiệm hiệu ứng Bandwagon rồi đó.
Hiệu ứng đám đông (Bandwagon) là gì?
Hiệu ứng đám đông - Bandwagon effect (hay nhiều bên dịch là hiệu ứng số đông hoặc hiệu ứng đoàn tàu) là một hiện tượng tâm lý xã hội, trong đó mọi người có xu hướng hành động, suy nghĩ hoặc tin tưởng theo những gì phần đa người khác đang làm.
Như ví dụ ở trên, đợt phim Fast & Furious 7 về Việt Nam, mỗi ngày lướt mạng xã hội mình đều thấy mọi người nhắc về bộ phim này hoặc đến công ty thì đồng nghiệp hỏi nhau đã đi xem chưa. Chính vì thế mà mình cũng tò mò và tranh thủ cuối ngày đi xem dù mình chưa hề theo dõi các tập trước đó. Như vậy là mình quyết định đi xem vì nhiều người cũng đang xem.
Các nhân tố tác động đến hiệu ứng đám đông
Vậy thì đâu là điều dẫn đến sự xuất hiện của hiệu ứng đám đông mà chúng ta vẫn thường thấy hàng ngày trong mọi lĩnh vực của đời sống?
Khi không có đủ thông tin để đưa ra quyết định hoặc dưới áp lực về thời gian, mọi người sẽ dựa vào trực giác, suy đoán, kinh nghiệm để đưa ra quyết định nhanh chóng. Ví dụ như mình nếu muốn đặt pizza trên Shopee nhưng chưa ăn ở cửa hàng đó bao giờ thì sẽ đặt loại nào có nhiều order nhất. Khi nghĩ đến việc nên mua bao nhiêu chiếc pizza cho buổi tiệc ngày hôm nay thì dựa trên nguyên tắc ngón tay cái “càng nhiều càng tốt" hoặc “thừa còn hơn thiếu". Lúc này, dựa theo số đông, số nhiều là một cách để đưa ra lựa chọn.
Con người luôn muốn mình đúng và thuộc về phe thắng cuộc. Nếu như mọi người xung quanh đều làm một điều gì đó, thì người ta sẽ có ấn tượng rằng đó là điều nên làm và mong muốn làm theo để nắm chắc phần thắng.
Chúng ta luôn sợ bị lạc loài với cộng đồng và sợ bị bỏ lỡ điều quan trọng nào đó (FOMO). Hòa cùng với những gì người khác đang làm là một cách để không trở thành một cá thể khác biệt. Chính vì con người đang sống trong một cộng đồng nên chịu ảnh hưởng nhiều từ cộng đồng. Chẳng hạn, peer pressure (áp lực đồng trang lứa) là một ví dụ. Mỗi ngày lên Facebook, hàng tá những post của bạn bè về việc mua nhà, mua xe, lập gia đình đôi khi sẽ khiến bản thân chúng ta cũng bị kéo theo để sao cho bằng bạn bằng bè.
Áp dụng hiệu ứng đám đông trong digital marketing như thế nào?
Tạo cảm giác sản phẩm đang rất được thịnh hành
Một trong những cách để kích thích việc mua sắm là làm thế nào để khách hàng sẽ cảm thấy đang có nhiều người khác đang cùng mua sản phẩm. Thông thường, các brand sẽ để hiển thị thông tin các con số như số lượng hàng đã bán ra, số lượng khách hàng đã mua, v.v.
Tạo niềm tin và xây dựng sự uy tín
Đưa ra các logo, review tốt, và câu chuyện khách hàng đang sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ là một cách để chứng thực mức độ uy tín. Những yếu tố tạo niềm tin này có thể được phân phối trên nhiều kênh khác nhau như website, email hoặc social media.
Tạo sự bàn tán rộng rãi
Một trong những ví dụ điển hình gần đây về việc tạo ra hiệu ứng đám đông là những xu hướng được các Influencers (người có sức ảnh hưởng ) lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Năm 2021, MakeMyTrip đã thực hiện chiến dịch #MyIndia nhằm thu hút khách du lịch đến Ấn Độ. Nhãn hàng kết hợp cùng với 22 influencers Ấn Độ để khuyến khích những người yêu thích du lịch khám phá các điểm đến còn hoang sơ và chưa được nhiều người biết đến tại đây. Mỗi một influencer sẽ tạo nội dung để chia sẻ hành trình của họ qua reels, video, và hình ảnh trên Instagram.

Kết luận
Vậy là mình vừa chia sẻ cho các bạn về hiệu ứng đám đông. Giống như mỗi đồng xu có hai mặt, hiệu ứng đám đông cũng sẽ có cả mặt lợi và hại. Hiệu ứng đám đông sẽ giúp mọi người nhanh chóng lan tỏa nhanh những hành động và giá trị đẹp. Giống như việc xung quanh mình mọi người quan tâm nhiều đến chế độ ăn uống và tập luyện sao cho healthy thế là mình cũng có ý thức đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng “no one size fit all" không phải điều gì tốt với mọi người thì cũng sẽ tốt với chính mình. Mình nghĩ rằng hiểu về hiệu ứng đám đông sẽ giúp mình và bạn ra quyết định một cách cẩn trọng hơn trong cuộc sống và vận dụng hợp lý vào chính công việc marketing để chinh phục khách hàng.
Đây là bài viết số 3 trong seri Các loại hiệu ứng tâm lý và ứng dụng trong marketing của mình. Nếu đọc đến đây rồi, mình tin các bạn cũng đang quan tâm đến chủ đề này. Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết số 2 về Anchor effect - Hiệu ứng mỏ neo nhé. Cũng khá thú vị đó.