Ứng dụng AIDA trong viết content landing page
AIDA là gì? Cách viết 1 trang landing page theo mô hình AIDA
Sẵn vừa rồi mình có hướng dẫn đồng nghiệp cách viết nội dung cho landing page theo phương pháp AIDA, mình cũng muốn tổng hợp lại để chia sẻ với các bạn. Cùng mình tìm hiểu định nghĩa về AIDA, cách triển khai, và phía cuối bài viết sẽ là template minh hoạ cho cách ứng dụng nhé.
AIDA là gì?
AIDA là chữ cái đầu của 4 từ Attention, Interest, Desire, và Action. Giải thích ngắn gọn trong một câu AIDA nghĩa là chúng ta bắt đầu từ việc tạo sự chú ý từ khách hàng tiềm năng, làm cho họ cảm thấy hứng thú & quan tâm với sản phẩm hoặc dịch vụ, khiến họ cảm thấy khao khát và sau đó là hướng người đọc hoặc người nghe tới hành động bạn mong muốn.
Phương pháp này được khởi xướng bởi Elias St Elmo Lewis từ đầu thế kỷ 20 và sau này, Gary Halbert, một copywriter sau đã làm cho AIDA phổ biến trong việc tạo nội dung cho bán hàng và marketing.
Câu hỏi đặt ra: Khi nào thì nên dùng mô hình AIDA? Liệu mô hình này có còn phù hợp ngày nay?
Khi nghiên cứu về cách làm của nhiều trang web hiện nay, mình vẫn thấy các thương hiệu áp dụng phương pháp này. Đối với mình, trong marketing sẽ không thể trả lời ngay đúng hay sai, mà khách hàng, số liệu, kết quả mới là thứ giúp trả lời cho bạn. Trong trường hợp bạn chưa biết nên làm một trang landing page ra sao, AIDA có thể là một phương pháp để thử nghiệm và đưa ra kết luận.
Attention: Thu hút sự chú ý của người đọc
Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng là điều quan trọng nhất. Chẳng một ai dành thêm thời gian để ở lại với bạn nếu ngay từ khi vừa vào một trang web và thấy không thực sự thu hút. Đối với một trang landing page, phần hero section (tức phần đầu tiên của trang) là nơi đóng vai trò tạo sự chú ý.
Một số tips để tạo ra hero section thu hút:
Sử dụng tiêu đề viết hoa toàn bộ hoặc kiểu chữ in đậm, bắt mắt
Dùng câu nghi vấn hoặc một con số ấn tượng
Chọn hình ảnh đẹp, độc đáo, hài hước hoặc màu sắc nổi bật
Cá nhân hóa thông điệp bằng sử dụng tên của khách hàng
Viết một thông điệp đầy hứa hẹn
Sử dụng sự hài hước
Làm nổi bật tính độc quyền hoặc tính mới trong lĩnh vực đang hoạt động
Mình từng viết bài viết về cách lên nội dung cho hero section. Bạn có thể tham khảo tại đây:
Interest: Khơi gợi sự quan tâm
Bước thứ hai sau khi thu hút được sự chú ý là khơi dậy sự quan tâm của khách hàng tiềm năng.
Làm thế nào để khơi dậy sự quan tâm của khách hàng tiềm năng?
Trước tiên bạn phải nắm rõ về đối tượng, nỗi đau, nhu cầu, và các câu hỏi của họ. Điều quan trọng là thể hiện sự đồng cảm của bạn với những khó khăn khách hàng bạn gặp phải.
Một số gợi ý về nội dung cho phần này bao gồm:
Những thách thức, khó khăn mà khách hàng hay gặp phải
Số liệu hoặc nhận định để nói về xu hướng hiện nay cũng như trong tương lai và nhấn mạnh sự thay đổi cần thiết để đáp ứng thị trường
Desire: Khơi gợi khao khát
Nhìn chung, trong giai đoạn này, mục tiêu là đảm bảo rằng khách hàng khi lướt đến sẽ nghĩ: “Đúng rồi, đây đúng là sản phẩm và dịch vụ mình cần, những thứ mình đang tìm kiếm" và thực sự mong muốn có được sản phẩm và dịch vụ đó.
Cùng mình điểm qua gợi ý cho phần này nhé:
Đưa ra các tính năng hoặc dịch vụ nổi bật và lợi ích khách hàng sẽ nhận được
Thêm hiệu ứng tâm lý nêu bật tính khan hiếm. Ví dụ: khuyến mãi chỉ diễn ra trong vòng hôm nay, số lượng có hạn, v.v.
Nhấn mạnh rằng bằng sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn sẽ là thành viên của một cộng đồng
Tăng sự tin cậy bằng việc sử dụng review hoặc các case study câu chuyện khách hàng. Với các bên B2B còn có thể là các giải thưởng uy tín đạt được.
Action: Kêu gọi hành động
Sau cùng, đã đến lúc gợi ý cho người xem một hành động cụ thể, ví dụ mời tham gia webinar, download ebook, gặp tư vấn viên, dùng thử sản phẩm.
Ngoài ra, nên chú ý đưa vào một số yếu tố để gỡ bỏ nghi ngại từ khách hàng như ‘không cần thông tin thẻ ngân hàng”, “miễn phí đổi trả hàng”, ”bảo hành 1 năm”, v.v.
Để các bạn dễ hình dung, dưới đây là minh hoạ cho ứng dựng AIDA trong viết landing page ở mức đơn giản nhất.
Tóm tắt
Vậy là mình vừa giới thiệu về AIDA và ứng dụng trong viết landing page. Thực tế phương pháp này có thể dùng cho viết email, ads, blog và nhiều mục đích khác. Bạn hoàn toàn có thể linh hoạt để dùng khi cần nhé.
Hi vọng bài viết tuần này hữu ích cho bạn!