9 tips giúp cho LinkedIn profile nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng
Chào cả nhà, kết thúc tuần thứ 2 năm 2024 của mọi người như thế nào? Còn mình thời gian qua đang tìm kiếm cơ hội làm việc mới nên dành khá nhiều thời gian để cập nhật lại LinkedIn profile.
Cho những bạn nào chưa biết đến LinkedIn thì LinkedIn là một trang mạng xã hội chuyên nghiệp, được thiết kế để giúp kết nối với đối tác và khách hàng trong việc kinh doanh, cũng như kết nối nhà tuyển dụng với ứng viên.
Những năm gần đây LinkedIn nổi lên là kênh tìm việc “hot”, đặc biệt cho lĩnh vực marketing. Bật mí cho các bạn là bản thân mình nhận được 3 công việc gần đây nhất là đều qua mạng xã hội này. Vì càng ngày càng hot nên tỷ lệ cạnh tranh để tìm việc thông qua LinkedIn cũng ngày càng khắc nghiệt hơn. Có những công việc vừa mới đưa lên được 1 ngày thôi có khi có hàng trăm ứng viên nộp CV.
Do đó, nếu bạn cũng đang trong quá trình tìm việc hoặc có ý định chuyển việc qua LinkedIn, việc đầu tiên mình khuyên bạn nên làm là chăm sóc cho profile (trang thông tin sơ yếu lý lịch).
Vì sao vậy? LinkedIn profile giống như ngôi nhà của mình vậy. Trước khi muốn mời khách đến nhà, mình cần phải dọn dẹp nhà cửa sao cho ngăn nắp và sạch sẽ đúng không? Vậy thì trước khi bắt đầu tìm việc qua LinkedIn, mình cần có một profile luôn sẵn sàng khi có bất kỳ ai truy cập đến.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những tips mình đã sử dụng để giúp cho profile của mình thu hút nhà tuyển dụng hơn nhé.
Sử dụng ảnh cover chuyên nghiệp
Phần background cover là phần đầu tiên mọi người nhìn thấy khi xem trang profile. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng vì vậy mình khuyên mọi người nên đầu tư để chuẩn bị một background chỉn chu.
Thường kích cỡ được khuyên dùng cho background cover là 1584 x 396. Một số công cụ thiết kế như Canva thậm chí có cả template sẵn cho LinkedIn profile và chỉ việc thay chữ, do đó sẽ không quá mất thời gian để tạo được một cover nếu bạn không thành thạo kỹ năng thiết kế.
Một số gợi ý thông tin đưa lên background bao gồm: Họ tên, chức danh công việc, tên thương hiệu, thông tin blog cá nhân, câu quote yêu thích liên quan đến công việc, các kỹ năng bạn có.
Khi thiết kế cần chú ý đến tương thích trên nhiều thiết bị. Nhiều trường hợp trên máy tính không vấn đề gì nhưng trên điện thoại ảnh avatar lại che mất chữ.
Chọn ảnh đại diện phù hợp
Mình thấy nhiều bạn không để ảnh profile khiến cho tài khoản trông chưa chuyên nghiệp. Bạn có thể sử dụng một bức ảnh sao cho rõ mặt và thể hiện được cá tính của bản thân. Thông thường một bức ảnh với nụ cười tươi sẽ dễ tạo thiện cảm. Ảnh nên tập trung vào khuôn mặt và mờ các nền xung quanh. Mình chọn một bức hình chụp chính diện và vì lúc chụp ảnh đã để chế độ mờ nền nên cứ như vậy dùng luôn làm ảnh đại diện Linkedln.
Như ví dụ dưới đây, cô Laura Erdem sử dụng hình với khuôn mặt rạng rỡ và nền phía sau là nền trơn màu xanh mint. Cô sử dụng màu xanh mint vì hiện đang làm việc tại Dream Data và màu chủ đạo của thương hiệu này là màu xanh. Vì vậy bạn cũng có thể để màu nền theo màu thương hiệu của công ty bạn đang làm hoặc màu thương hiệu cá nhân.
Nếu muốn sử dụng ảnh với background trơn, bạn có thể chụp ảnh với nền màu mình muốn. Một cách khác là sử dụng Canva hoặc https://www.remove.bg/ để xoá phông và chọn thêm màu nền.
Định vị bản thân thật rõ ràng
Phần định vị bản thân là phần nằm ở dưới tên và để cho người đọc biết vắn tắt về bạn. Đây là phần vừa phải ngắn gọn nhưng cũng phải nêu bật được bạn là ai khi người xem scan trong một vài giây. Chú ý có các từ khoá để khi nhà tuyển dụng tìm kiếm, bạn sẽ xuất hiện ở vị trí cao hơn.
Khi bạn post bài viết trên LinkedIn, phần này sẽ được hiện ra đi kèm với tên và ảnh đại diện. Hoặc LinkedIn cũng hiển thị định vị bản thân kèm tên trong phần “People you may know”.
Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu để viết, bạn tham khảo theo công thức này nhé: who you are @ where | what you do. Dưới đây là một ví dụ:
Sử dụng custom URL
Thông thường LinkedIn sẽ tự tạo ra URL cho profile của mình. Tuy nhiên URL bao gồm những dãy số hoặc ký tự ngẫu nhiên. Hiện LinkedIn có tính năng giúp chỉnh URL theo ý muốn, giúp người dùng tạo được URL dễ nhớ hơn.
Ngoài ra, nếu bạn có thương hiệu cá nhân, bạn cũng có thể đưa dấu ấn cá nhân vào URL của mình như ví dụ dưới đây.
Để chế độ Open to Work
LinkedIn cho phép mình để chế độ Open to Work để như một cách thông báo là mình đang tìm kiếm cơ hội làm việc mới.
Mình nhận thấy từ khi mình để Open to Work, có một số nhà tuyển dụng chủ động tìm đến mình vì LinkedIn có hỗ trợ các nhà tuyển dụng tính năng lọc các ứng viên đang để Open to Work.
Ngoài ra, để Open to Work sẽ giúp cho những người trong network có thể mách cho bạn những bên đang tuyển dụng hoặc trực tiếp giới thiệu bạn cho các công ty họ đang làm việc.
Cập nhật phần kinh nghiệm làm việc chi tiết
Hiện tại, nhà tuyển dụng có thể chủ động tìm kiếm ứng viên bằng các từ khoá. Ví dụ nhà tuyển dụng muốn tìm ứng viên làm về Content Writer, họ sẽ search Content Writer. LinkedIn trả về danh sách những người có kinh nghiệm Content Writer. Những từ khoá này được lấy từ chính mục Experience của ứng viên.
Ngoài ra, mình từng được một bạn làm tuyển dụng chia sẻ lại rằng bạn ấy tìm ứng viên thông qua việc tìm kiếm từ các công ty cùng ngành. Ví dụ, nhà tuyển dụng đang làm việc cho một công ty chuyên làm ứng dụng trên Shopify và đang muốn tìm kiếm ứng viên cho vị trí SEO specialist. Nhà tuyển dụng sẽ đi tìm những công ty cũng đang làm app trên Shopify và xem những ai đã và đang làm SEO cho các công ty này để liên hệ.
Như vậy, trong trường hợp này để giúp nhà tuyển dụng tìm được bạn, bạn sẽ cần viết phần kinh nghiệm thật rõ ràng như tên công ty, vị trí, kỹ năng và tối ưu với từ khoá liên quan đến vị trí bạn tìm kiếm công việc mới thì càng tốt.
Đưa vào profile những thành tựu kèm minh hoạ chân thực
Hiện trên LinkedIn cho phép mình đính kèm file với các định dạng khác nhau như jpeg, pdf, v.v. Do đó mình khuyên mọi người đính kèo theo tài liệu minh hoạ. Ví dự như mình có từng làm công việc partnership, mình sẽ để ảnh chụp cùng với partnership như dưới đây.
Hoàn thiện và kiểm tra profile đã đạt “All Star” hay chưa
Ngoài các phần đề cập ở trên, bạn có thể hoàn thiện profile của mình với các mục:
Licenses & certifications: Điền các chứng chỉ khoá học hoặc giải thưởng đã tham gia
Recommendation: Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, thời điểm tốt nhất để xin recommendation là khi đang làm hoặc ngay khi vừa nghỉ việc tại công ty. Bạn có thể chủ động nhắn đồng nghiệp để hỏi recommendation và sau đó sử dụng tính năng Request Recommendation tạo yêu cầu. Đương nhiên để có thể xin được Recommendation thì trong quá trình làm việc bạn phải có những ấn tượng tốt, như vậy mới không cảm thấy ngại ngùng khi hỏi Recommendation cũng như người được yêu cầu cũng sẽ vui vẻ để cho bạn.
Có một điểm cần chú ý là LinkedIn có tính năng Profile level meter giúp chấm điểm profile vì vậy khi cập nhật profile, bạn có thể kiểm tra xem mình đang được mức độ bao nhiêu. Một profile càng điền đầy đủ các hạng mục càng được điểm cao và tốt nhất là khi được “All star”.
Để kiểm tra, bạn truy cập vào trang profile là sẽ thấy ngay mục Suggested for you kèm các gợi ý.
Chia sẻ nội dung thường xuyên
Bạn nên chia sẻ nội dung trên LinkedIn để nhà tuyển dụng thấy được bạn đang “active” vì vậy mà không ngại ngần để liên hệ. Ngoài ra, bạn có thể nhận được tương tác và khi một người tương tác như like/thả tim bài viết của bạn thì bài viết đó cũng hiện lên trên feed của những người thuộc connection của người vừa tương tác. Đây là cách giúp bạn xuất hiện trước nhiều người hơn, trong đó có nhà tuyển dụng.
Như hiện tại mình chưa có nhiều thời gian để hàng ngày tạo nội dung, mình chọn việc chia sẻ nội dung ở mức độ một 1-3 bài một tháng. Mình sẽ chia sẻ về một số sự kiện liên quan đến công việc mình đã tham gia, một khoá học vừa hoàn thành, một insights trong công việc, hoặc đơn giản là repost hoặc tương tác với bài post mình thấy hữu ích.
Vậy thì, sau một thời gian chỉnh sửa LinkedIn, mình đã thấy được những thay đổi gì?
Tỷ lệ những người tìm kiếm mình là nhà tuyển dụng tăng lên và chiếm tỷ trọng lớn nhất. Số này mình đang theo dõi trên bảng thống kê của LinkedIn.
Có những nhà tuyển dụng liên hệ để giới thiệu về job thông qua LinkedIn chat.
Bạn cũng hãy thử áp dụng những tips trên để tạo cho LinkedIn profile của bạn nổi bật và thu hút sự chú ý từ nhà tuyển dụng nhé.